MẠN ĐÀM VỀ TƯƠNG QUAN GIA ĐÌNH GIA TỘC

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Gia đình là một tổ hợp nhỏ; quốc gia là một tổ hợp lớn. Giữa gia đình và quốc gia còn có một tổ hợp, tuy bề ngoài trông có vẻ lỏng lẻo, nhưng thật ra vẫn có ảnh hưởng lớn đến cá nhân, đó là gia tộc. Mỗi người chúng ta, ngoài cha mẹ, anh em, còn có ông bà, cô dì, chú bác, cậu mợ, anh em, cháu chắt nội ngoại xa gần.

Xưa nay, nhìn vào một cá nhân, ở bên Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, người ta thường nhìn lên bốn đời. Như vậy cộng với đời của đương sự, tất cả có chín đời, gọi là Cửu tộc. Cửu tộc là như sau:

 

CAO
TẰNG
TỔ
KHẢO (PHỤ)
KỶ
TỬ
TÔN
TẰNG TÔN
HUYỀN TÔN

= KỴ HAY SƠ
= CỤ
= ÔNG
= CHA
= MÌNH
= CON
= CHÁU
= CHẮT
= CHÚT

 

Nhưng thực sự mà sống với nhau «trông thấy được nhau» thường chỉ có 5 đời. Tuy nhiên, những gia đình được Ngũ đại đồng đường cũng hiếm.

Nhân đi tìm tài liệu để viết bài này, tôi có đến thăm một cụ bạn già, năm 1974 này đã 77 tuổi, ở đường Thủ Khoa Huân. Vào nhà, tôi thấy trên tường có treo 2 câu đối như sau:

Ngũ đại đồng đường, danh gia tế mỹ,

Bát tuần tấn thọ, đức thụ trường vinh.

(Lạc khoản đề: Tân sửu niên, trọng đông. Tùng Phong Nguyễn Khánh Trường trang hạ.) [1]

Ngũ đại đồng cư, trưng phúc quả,

Bát tuần khánh thọ, kỷ niên hoa.

(Lạc khoản đề: Tân sửu niên, trọng đông. Hán học cử nhân, Tổng đốc trí sĩ, Phạm Văn Hanh đi hạ.)

Hỏi ra mới biết đó là những câu đối do các thân hữu mừng vào năm 1961, nhân dịp bát tuần khánh thọ của cụ cố thân sinh. Những câu đối ấy đã nói lên được danh giá và phúc ấm của gia đình đó.

Vượt quá phạm vi gia đình để khảo về gia tộc, có một điều sẽ khiến chúng ta phải bỡ ngỡ hết sức, nếu chúng ta để một vài phút suy tư, đó là: cái công trình vô biên của tạo hóa của trời đất, đã tốn không biết bao nhiêu là công phu, năm tháng để tạo dựng nên một Ta.

Chúng ta hãy nghĩ mà coi:

Ai trong chúng ta mà chẳng có cha, có mẹ. Rồi 2 cha mẹ chúng ta cũng lại đều có cha mẹ. Như vậy vị chi đã là 4 rồi. Rồi 4 ông bà chúng ta cũng có cha mẹ, vị chi là 8. 8 cụ chúng ta lại có cha mẹ, vị chi là 16. Cứ thế mà tính lên cho đến đời thứ 10, thì chúng ta đã có 1024 tổ tiên ở khắp mọi nơi, làm đủ mọi nghề, và lưu lại cho chúng ta đủ mọi đặc tính hay hay dở.

Nếu tính lên cho đến đời thứ 20, ta sẽ có 1.048.576 tổ tiên. Tính lên đến đời thứ 30, tức vào khoảng cách đây 1000 năm, ta sẽ được con số 1.000.000.000 tổ tiên. Tính lên cho tới năm I Thiên Chúa giáng sinh, ta sẽ được con số 1025 Tổ tiên. Thật là một con số kinh khủng.[2] Nhưng mà đâu phải chúng ta mới phát xuất tự năm I ! mà tổ tiên xa vời của chúng ta đã có từ khi mới có loài người! Như vậy suy ra, thì chúng ta tất cả chẳng ít thì nhiều đều là anh em với nhau, vì trong dĩ vãng gần hay xa, cũng đã có lần tổ tiên chúng ta đã giao duyên phối ngẫu cùng nhau, nhưng theo đà thời gian các giòng họ, y như các giòng sông nhỏ, mỗi dòng đi về một ngả khác nhau, nên càng ngày càng trở nên xa lạ cùng nhau.

Bây giờ chúng ta hãy tạm lấy số 1025 là số tổ tiên ta. Rồi ta cứ cho 30 năm là một đời, nhân lên ta sẽ có 30x1025. Đó là một con số thời gian khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta! Mới hay một con người thật là có giá trị, vì đã mất bao nhiêu người, bao nhiêu năm để tạo nên ta, chứ không phải chỉ có cha mẹ sinh ra ta, và chỉ mất có 9 tháng 10 ngày đã sinh ra được ta.

Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, trong quyển Một lối chép gia phả thật đơn giản đã có nhận định xác đáng về gia đình và gia tộc như sau:

«Phạm vi của gia đình không phải chỉ có vỏn vẹn một ít người là cha mẹ, con cái, mà thật ra nó bao gồm cả tổ tiên, cụ kỵ, ông bà của chúng ta nữa. Bởi vậy, nếu mọi người không muốn cho con cháu của mình thành những người lạc lõng giữa một tập thể quốc gia rộng lớn và lúc sống cũng như khi chết không đến nỗi mờ mịt với nguồn gốc cội rễ của tổ tiên, ông bà, thì mình phải có bổn phận phục hồi lại tất cả những gì nó liên quan tới những người đã khuất (là tổ tiên cụ kỵ…)

«Vậy thì 2 tiếng gia đình chỉ có thể biểu lộ đầy đủ được ý nghĩa của nó khi bao gồm cả người chết (Tổ tiên) và người sống (con cháu). Như thế khi nhắc đến gia đình, hiển nhiên còn phải nhắc đến nhiều người khác đã chết từ lâu, trước cả ông bà cha mẹ của mình - nhưng lại có rất nhiều công lao xây đắp nền móng cho cái gia đình mà mình đang hiện diện trong đó. Hơn nữa, thuật lại những gì đã xảy ra ở trong gia đình, cũng không phải là chỉ kể câu chuyện hiện tại xảy ra ngay trong đời sống của mình, mà còn phải nhắc đến nhiều sự việc liên quan tới gia đình từ trước kia ở xa mãi bên trên cả ông bà cha mẹ mình nữa. Những sự việc ấy không tên ấy là một chuỗi dài lịch sử xẩy ra nhiều năm về trước dệt thành một tấm màn dày đặc che kín một khoảng trống thật lớn ở bên trong gia đình mà những kẻ làm con cháu chưa hề được biết tới bao giờ…»

Nơi khác ông viết: «Gia tộc Việt Nam xưa nay chia làm hai bậc: một là nhà hay tiểu gia đình, gồm cha mẹ vợ chồng con cái; hai là họ hay đại gia đình, gồm tất cả mọi người cùng chung một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống, tức là «gia tộc», gồm có một chi trưởng với nhiều chi thứ. Những người liên hệ trong một gia đình thì thường là cụ, kỵ, ông bà rồi đến cha mẹ, còn ở bên trên nữa thì có ông Cao tổ cho đến Thủy tổ. Còn ở dưới thì có con, dưới con có cháu dưới cháu là chắt, và dưới chắt là chút (hoặc huyền tôn), cho đến ở xa dưới nữa thì đều gọi chung là viễn tôn. Từ Cao tổ trở xuống đến huyền tôn thì gọi là Cửu tộc.» [3]

 

I. GIA TỘC VỚI DI TRUYỀN

Khảo về gia phả các dòng họ lớn ở Việt Nam, ta thấy có nhiều dòng họ liên tiếp trong nhiều đời đã sinh ra được những bậc khoa bảng triều đình.

Ngày xưa khi tôi còn học trường Y khoa Hà Nội, một lần đến chơi nhà anh bạn cùng lớp, là anh Bùi Quốc Hương. Anh cho tôi biết từ 10 đời nay cụ, kỵ, ông, cha anh đều kế thế đỗ đại khoa. Ngày nay anh cũng đỗ thạc sĩ y khoa.

Khảo về bốn dòng họ lớn ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông ta thấy bốn họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn từ đời Trần đến nay, liên tiếp có các bậc khoa bảng. Ngoài ra, Hà Đông cũng còn nhiều làng khác phát sinh những dòng họ văn vật:

Làng Đại Mỗ có dòng họ Nguyễn Quí, 3 đời làm đến Đại vương. Ở nhà thờ tổ của dòng họ có một biển đề:

 

«Nhất môn phụ tử tổ tôn, kế đăng khoa, kế vi sư phó, kế phong đại vương phúc thần, cổ kim sở hãn văn dã.» (Một nhà mà cha con, ông cháu liên tiếp đỗ đại khoa, liên tiếp được làm thái phó, liên tiếp được phong vương, phong thần, cổ kim thực ít khi nghe thấy vậy.)[4]

 

Ở làng Tây Mỗ thì có dòng họ Nghiêm; ở làng La Khê có dòng họ Ngô Thúc. Ở làng La Nội, những dòng họ Đặng, họ Bùi, họ Nguyễn cũng có nhiều vị đại khoa. Ở làng Hương Canh có dòng họ Nguyễn, họ Trần, ở các làng Thượng Yên Quyết, Hạ Yên Quyết cũng có những dòng họ Nguyễn, họ Hoàng có người đỗ đạt. Vì thế nên có câu: «Mỗ, La, Canh, Cót» để chỉ những làng văn vật đó ở Hà Đông.[5]

Ngoài Bắc cũng có nhiều làng có những dòng họ hết sức hiển đạt như ở Vân Đình, có dòng họ Dương, con cháu cụ Dương Khuê, Dương Lâm. Ở Hưng Yên có làng Bạch Sam với dòng họ Phạm, ở Nam Định có làng Hành Thiện với họ Đặng. Vì thế đã có câu: «Xứ Đông Bạch Sam, xứ Nam Hành Thiện.»

Ở Hải Dương thì có dòng họ Vũ Hồn ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang là một dòng họ lớn từ Đinh, Lê, Lý, Trần mãi cho đến nay liên tiếp có con cháu đại khoa. Nhà thờ của dòng họ có 2 câu đối.

Câu đối 1:

Cao tằng tổ khảo dĩ lai, thập bát công khanh tam tể tướng,

Đinh Lê Lý Trần nhi hậu, bách dư tiến sĩ, tứ đình nguyên.

(Từ cụ kỵ ông cha tới nay, có 18 người liệt hạng công hầu, và 3 người làm Tể tướng. Từ Đinh Lê Lý Trần cho đến nay có hơn 100 ông tiến sĩ và 4 trạng nguyên.) [6]

Câu đối 2:

Vi tử tôn lập vạn đại cơ, công tướng khanh hầu vô trị loạn.

Dữ thiên địa đồng nhất nguyên khí, hoàng vương, đế bá hữu long ô.

(Lập cơ ngơi vạn đại lâu bền cho con cháu, dù loạn hay trị vẫn có khanh tướng công hầu. Có cùng nguyên khí như trời đất Hoàng vương đế bá còn có lúc thăng trầm.)

Ở trong Nam thì có những dòng họ Trương Vĩnh, Trương Minh, v.v... [7]

Ở Trung, ngoài những dòng họ nhỏ chúng ta phải kể đến dòng họ Nguyễn Phước, tức là dòng họ tôn thất nhà Nguyễn hiện nay. Dòng họ này khởi từ vị khai quốc công thần nhà Đinh là Đinh quốc công Nguyễn Bặc.

Đời nhà Lý có ngài Kiễm hiệu Nguyễn Đệ, Tả tướng quân Nguyễn Viễn, v.v...

Triều nhà Trần có Chiêu Quang Hầu Nguyễn Sử, Thái bảo Hoàng quốc công Nguyễn Công Chuẩn và con là Thái úy Trịnh quốc công Nguyễn Đức Trung.

Đời nhà Lê có Thượng phu thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, tức là vị tổ đứng đầu Nguyễn Triều sau này. Và từ đó cho tới năm 1945 con cháu đã kế thế làm vương đế ở Việt Nam.[8]

Tại sao nhiều dòng họ kế thế được vinh hiển như vậy?

Có người cho rằng đó là vì mả phát, có người cho rằng vì làng được phong thủy tốt (như trường hợp làng Đông Ngạc). Người xưa khi bàn về thi cử đỗ đạt đã nói: «Nhất phận, nhì duyên, tam phong thổ, tứ tích âm công, ngũ độc thư.» (một là nhờ số mệnh, hai là nhờ ngoại duyên, ba là vì phong thổ, bốn là vì âm đức, năm là vì học hành). Nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng có thể cắt nghĩa được bằng di truyền. Thực vậy trong con người chúng ta, có những di thể (gènes) rất nhỏ. Tuy là nhỏ nhưng chúng rất có ảnh hưởng đến tính nết, đến sự thông minh, đến sức khỏe chúng ta.

Y học chứng minh có những dòng họ đã truyền cho con cháu những bệnh tật cố hữu một cách rất là ly kỳ. Xin đơn cử một chứng bệnh di truyền trong dòng họ của bà Hoàng hậu Victoria nước Anh.

Hoàng hậu Victoria tuy không mắc bệnh Huyết hữu (hémophilie, một bệnh hễ chảy máu, là chảy không ngừng), nhưng có thể truyền bệnh ấy cho con trai. Con gái không mắc nhưng đi lấy chồng thì lại có thể truyền bệnh đó cho ít nhiều con trai của mình. Trong vòng bốn đời liên tiếp nhau, nhiều hoàng tử, nhiều vua chúa nội ngoại của dòng họ, đã mắc bệnh huyết hữu.

Đặc biệt nhất là trường hoàng tử nước Nga là Alexis (Tsarevitch), Hoàng tử đã mắc bệnh huyết hữu và nhiều lần đã thập tử nhất sinh, mỗi khi bị một vết xây xát nhỏ. Các lương y nhiều lần đã đành phải bó tay. Vua và Hoàng hậu phải mời vị tu sĩ tên là Raspoutine tới chữa hoàng tử mới lành. Nhưng ỷ y được vua và hoàng hậu tin phục, Raspoutine đã lộng hành quá đáng, gây nhiều xáo trộn trong nước Nga, và như vậy đã một phần nào làm cho cuộc Cách Mạng 1917 của Nga bùng nổ, lật đổ Nga Hoàng.

 

Và gần đây, bệnh huyết hữu cũng đã cướp mạng sống của hoàng tử Alphonse nước Tây Ban Nha. Ông hoàng này đã lưu vong sang ở Miami, Florida, Hoa Kỳ. Một hôm ông lái xe đụng vào một xe khác. Ông bị ít nhiều mảng kính bể làm xây xát, chảy máu. Những vết thương ấy nếu ở nơi người khác thì rất nhẹ, nhưng ở nơi ông thì lại rất nặng. Ông bị chảy máu không ngừng và vào đến bệnh viện thì chết. Ông là chắt của hoàng hậu Victoria.[9]

Nếu bệnh tật có thể truyền tử lưu tôn, thì dĩ nhiên sự thông minh cũng có thể di truyền nhiều đời, các đặc tính của mỗi dòng họ cũng có thể truyền được nhiều đời.

Thomas Huxley (1825-1895), một trong những ông tổ của thuyết tiến hóa cũng đã có chủ trương tương tự. Ông đã viết trong quyển Evolution and Ethics như sau:

«Kinh nghiệm hằng ngày đã làm cho chúng ta trở nên quen thuộc với những dữ kiện mà chúng ta gọi là di truyền. Mỗi người đều mang trong mình những dấu tích rõ ràng của tổ tiên xa gần.

«Đặc biệt là, cái mà chúng ta gọi là tính nết - tức là tổng hợp các khuynh hướng khiến ta hoạt động theo một chiều hướng riêng biệt nào đó, thường có thể tìm thấy nơi các tông chi tổ tiên chúng ta.

«Như vậy, chúng ta cũng có thể nói được rằng tính nết đó - cái đặc điểm tâm trí của mỗi một người đó - thực sự đã diễn tiến từ hình hài này sanh hình hài khác, thực sự đã «luân hồi, chuyển kiếp» từ đời này sang đời khác …

«Cái triết gia Ấn Độ gọi những đặc tính ấy là duyên nghiệp… Trong thuyết tiến hóa, thì khuynh hướng làm cho một mầm sống trở thành một loài riêng biệt nào đó, ví dụ như là hạt biển đậu trở thành cây biển đậu, cái đó là duyên nghiệp… Đó là kẻ thừa hưởng cuối cùng và là kết quả cuối cùng của tất cả những điều kiện đã có tác dụng trên một tộc hệ đã khai nguyên từ nhiều triệu năm nay từ khi sự sống mới xuất hiện trên mặt đất này.»

Và ông trích dẫn lời của giáo sư T.W. Rhys Davids, để kết luận: «Cỏ tuyết điểm hoa là điểm tuyết hoa chứ không phải là cây sến và chỉ là điểm tuyết hoa chứ không phải là cây sến và chỉ là hạt sương thuộc về một loại nào đó, chính là kết quả các duyên nghiệp của một chuỗi bất tận các kinh nghiệm quá khứ.» [10]  

Thế là Thomas Huxley đã đồng hóa Di truyền với thuyết Duyên nghiệp (karma) của Phật giáo, và đã muốn nối liền mỗi một sinh vật hiện hữu với muôn triệu tiên tổ đã sinh ra trên mặt địa cầu này trước nó…

 

II. GIA TỘC VỚI VĂN HÓA, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI

Gia tộc vì là một thể chế cố cựu nên đã ảnh hưởng sâu rộng đến các vấn đề văn hóa chính trị xã hội.

Giở ca dao, tục ngữ Việt Nam, ta thấy có rất nhiều câu liên quan đến gia tộc, họ hàng. Ví dụ như:

- Cha nó lú nhưng chú nó khôn.

- Yêu nhau yêu cả đường đi,

  Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.

- Một người làm quan cả họ được nhờ.

- Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

- Xểnh cha còn chú, xểnh mẹ còn dì.

- Cậu chết mợ ra người dưng.

  Chú tôi có chết, thím đừng lấy ai …

Gia tộc Việt Nam và Trung Hoa còn có một mối liên quan rất là kỳ quặc đến văn hóa: đó là niềm tin vào mồ mả đất cát.

Xem gia phả bất kỳ một dòng họ lớn nào, lúc đầu tiên cũng thấy đề cập đến mồ mả kết phát như là lý do chính yếu của sự phát vua, phát quan, phát phú, phát quí của giòng họ mình.

Ví dụ như dòng họ Vũ Hồn thì cắt nghĩa rằng ngôi mộ của thủy tổ đã được táng treo vào một đại huyệt gọi là: «Cửu thập bát tú triều dương.» Đó là kiểu đất «Tiến sĩ sào» (ổ ông nghè). Ông Vũ Hồn sau khi sinh được hai người con sinh đôi, người anh ở lại Việt Nam, phát ra một dòng công khanh khoa bảng ở Việt Nam liên tiếp từ bao nhiêu đời. Người con được thầy địa lý đưa về Trung Hoa, cũng đã sinh ra không biết bao nhiêu là con cái cháu chắt khoa bảng công khanh.

Trần Đức Lai, trong truyện Hoa khuê các, đăng trong nhật báo Đông Phương, nơi số 142 ra ngày 17-8-1974 đã viết về ngôi mộ của tổ phụ và tổ mẫu của Nguyễn Kim như sau:

«Tổ phụ và tổ mẫu của Nguyễn Kim là người hiền lành cày ruộng và vào rừng làm lâm sản. Một buổi chiều ông vào rừng lấy măng tre măng nứa, khi trở về, trời đổ giông gió, bèn chạy vào trong hang núi ẩn. Bỗng một tiếng sét nổ vang trời đá trên núi đổ xuống lấp chặt cửa hang, chôn sống người tiều phu họ Nguyễn trong hang đá đó. Chiều hôm sau, bà vợ đi tìm chồng thì bị cọp tha về gần hang núi nơi ông chồng đã bị chôn sống, đặt trước cửa hang rồi phóng mình đi thì bỗng mối đùn lên vùi luôn thây người vợ. Trời lại đổ mưa giông ầm ầm, ngày sau, nơi chôn cất hai vợ chồng người họ Nguyễn ở thôn Gia Miêu Ngoại Trang, trở thành một khu rừng rậm, thân nhân không làm sao tìm được xác của ông bà họ Nguyễn để chôn cất nữa. Theo thầy địa lý, thì đó là nhờ phúc đức nhà họ Nguyễn nên chồng được thiên táng, vợ đuợc hổ táng đúng ngôi đất Đế Vương sau này nhà Nguyễn mới thống nhất sơn hà lên ngôi Đế Vương.» Những chuyện như vậy đố ai lùa ra được khỏi ký ức người dân Việt.

Nhiều gia đình họp lại thành một gia tộc, nhiều gia tộc họp lại thành một nước. Bên Tàu cũng như bên ta xưa cho rằng toàn dân có khoảng chừng 100 họ vì thế nên tòan dân trong một nước cũng được gọi là Bách tính. Nhưng thực ra trong một nước có rất nhiều dòng họ.

Học giả Nguyễn Bạt Tụy đã viết trong tập Tên người Việt Nam nơi trang 49 như sau: «Ông P.Gourou, trong quyển Les paysans du Delta tonkinois, tr. 127, tính rằng có tới 202 vùng đồng bằng Bắc Việt. Nhưng theo sự tìm tòi của chúng tôi, con số ấy được tới 308 và có lẽ còn hơn nữa ở toàn cõi Việt Nam.»

Giáo sư Paul Perny, trong tập Appendice du Dictionnaire Français Latin, Chinois de la langue Mandarine parlée, đã tìm ra được tất cả 450 họ ở bên Trung Hoa trong đó 420 họ đơn và 30 kép.

Đến như chuyện lấy vợ lấy chồng, thì người ta thường tránh lấy họ đồng tông, mà lấy người thuộc dòng họ khác. Lấy nhau trong họ đồng tông, ngoài sự đàm tiếu của mọi người về phương diện luân lý, còn sợ bị ảnh hưởng tai họa về các bệnh di truyền của một dòng họ. Cho nên luật pháp Đông Tây thường cấm lấy nhau trong họ đồng tông. Lấy người khác họ, cũng còn là một cách thêm vây thêm cánh cho dòng họ mình.

Các nhà quí tộc xưa ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam quan niệm hôn nhân như một phương cách để:

1. Sinh con, đẻ cái cho đông, cho dòng họ mình lớn mạnh,bền vững lâu dài.

2. Tăng thêm uy thế của dòng họ mình. Cưới xin tức là liên kết với một giòng họ khác.

3. Vợ chồng cùng nhau lo việc tế tự tổ tiên.

Khảo thư tịch Trung Hoa, ta thấy xưa kia có một tục lệ rất ly kỳ như sau:

Khi mà nhà trai thuộc dòng quý tộc hỏi vợ, thì bên nhà gái, lúc cho con gái mình về vu quy, phải cho ít nhất là người em gái út theo chị, hay một người cháu gái theo cô để phù dâu và cũng là để làm hầu thiếp sau này. Vợ cả thì gọi là Đích. Các nàng hầu đi phù dâu thì gọi là Dắng. Các cô phù dâu gồm có ít nhất là:

– Em gái út gọi là Đệ.

– Cháu gái gọi là Điệt.

Tùy theo cấp bậc trong xã hội, số nàng hầu sẽ tăng:

– 1 người quý phái thường sẽ được cung cấp 1 vợ, 1 nàng hầu.

– Đại phu 1 vợ hai nàng hầu.

– Chư hầu 3 vợ 6 nàng hầu.[11]

– Thiên tử 4 vợ 9 nàng hầu.

Trần Thủ Độ xưa cũng đã biết dùng hôn nhân để củng cố dòng họ. Ví dụ tìm cách thông gia với các đại tướng quân, hoặc cho các vương tôn đi trấn nhậm các vùng biên cương hiểm trở, rồi lại khuyến khích họ chọn vợ trong những bộ lạc Mường Mán. Như vậy cốt là để dùng hôn nhân củng cố ngai vàng cho dòng họ. Sau này ta thấy Công Chúa Huyền Trân đã kết duyên cùng vua Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô, Lý…

Và chính cũng là để tiêu diệt mầm mống phản nghịch, phục thù, nên vua chúa nước Tàu xưa đã lập hình phạt tru di tam tộc:

– Giết họ người phạm tội.

– Giết họ mẹ người phạm tội.

– Giết họ vợ người phạm tội.

Hình phạt này được Thương Ưởng sáng chế ra, nhưng đến đời nhà Đường thì Vũ Hậu truyền bỏ. Tuy nhiên ta thấy các triều đại vua chúa Trung Hoa vẫn thường áp dụng hình phạt này.

Ở nước ta, thì đời nhà Lê, triều đình nhà Nguyễn đã tru di tam tộc nhà cụ Ức Trai Nguyễn Trãi, mặc dầu trong bộ luật Hồng Đức không thấy có ghi hình phạt đó.[12] Đến đời Nguyễn, hình luật Gia Long phỏng theo hình luật Mãn Thanh, nên còn nặng hơn cả hình phạt tru di tam tộc, vì ngoài việc tru di tam tộc còn giết hết mọi người ở chung một nhà với phạm nhân, mặc dầu là khác họ.[13]

Chính vì thế mà mỗi khi có người thân bị tội, nhiều người trong dòng họ đã phải thay tên đổi họ, để thoát tội tình, đang họ Trịnh đổi ra họ Nguyễn, đang họ Nguyễn đổi ra họ Lê…

Tôi có gặp một người Trung Hoa có họ Vi 韋 . Tôi hỏi sao có họ Vi? Ông cho biết cha ông trước kia là họ Hàn 韓, nhưng vì có tội với triều đình nên đã tách chữ Hàn làm đôi, bỏ đi nửa trái, giữ lấy nửa phải, thành ra họ Vi 韋.

Cũng như ở nước ta nhiều người họ Mạc đã đổi thành họ Phạm vì Mạc 莫 và Phạm 范 đều có bộ thảo đầu (艹) như nhau. Thế là «bỏ thì thương, vương thì tội» đành giữ lấy ít là một nửa vậy.

Nói đến gia đình, gia tộc, không thể nào bỏ qua được một vấn đề tối ư quan trọng đó là sự thờ cúng tổ tiên với các vấn đề phụ thuộc liên hệ như Từ Đường, ruộng hương hỏa, đích tử, đích tôn, trưởng tộc … Lễ Ký xưa đã quy định về nhà thờ tổ như sau:

– Nhà thờ tổ to nhỏ tùy theo giai cấp và chức tước.

– Nhà thờ tổ của bậc Thiên tử có bảy miếu: ba miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, ba miếu ở phía phía nam gọi là Mục, và một miếu ở phía Tây, để thờ vị Thái tổ đã lập ra dòng họ.

– Nhà thờ của các bậc chư hầu có năm miếu thờ: hai miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, hai miếu ở phía nam gọi là Mục, và một miếu ở phía tây thờ vị Thái tổ được vua phong hầu và ban cấp Thái ấp.

– Nhà thờ của bậc đại phu có ba miếu: một miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, một miếu ở phía nam gọi là Mục và một miếu ở phía tây thờ vị Thái tổ.

– Nhà thờ của các bậc quan sĩ, chỉ có một miếu.

– Thứ dân (người dân thường) không có miếu thờ riêng và thờ tổ tiên ngay trong nhà.[14]

Sau đây là sơ đồ bảy miếu của Nhà Chu:[15]

Về đích tử, đích tôn, tức là về người có bổn phận thờ cúng tổ tiên, luật Hồng Đức, điều 389, quy định:

1. Trước hết phải chọn con trưởng của người vợ cả.

2. Nếu người đích tử chết trước, thì lập người cháu trưởng.

3. Nếu không có cháu trưởng mới lập con người vợ thứ.

4. Trong hàng con vợ thứ, không chọn lấy người nhiều tuổi, mà lại chọn lấy người con hiền của vợ lẽ.

5. Trong trường hợp không có con trai, thời được chỉ định các con gái hoặc người thân thuộc (điều 388 luật Hồng Đức).[16]

Về ruộng hương hỏa, thì luật Hồng Đức quy định có thể lấy 1/20 ruộng đất để làm ruộng hương hỏa.

Điều 400 luật Hồng Đức quy định thêm: Ruộng hương hỏa dù con cháu nghèo khó cũng không được đem bán. Trái luật phải ghép vào tội bất hiếu. Nói đến gia đình, gia tộc, cũng phải nói đến người trưởng tộc.[17]

Người trưởng tộc chính là nòng cốt của một dòng họ. Tình thân ái giữa họ hàng, một phần cũng nhờ người trưởng tộc nên mới trở nên thắm thiết. Người trưởng tộc có thể là người lớn tuổi, nhưng cũng có thể là người đức cao, có địa vị lớn trong xã hội, chứ không nhất thiết phải theo nguyên tắc đích trưởng như ở ngoài Bắc. Các vị trưởng tộc có quyền triệu tập hội đồng gia tộc, hay thân thuộc họ hàng mỗi khi cần, phân xử những tranh chấp ở trong họ, định đoạt, khuyên bảo khi họ hàng có việc hôn tang hoặc những việc quan hệ khác. Tôi đã thấy nhiều vị trưởng tộc chẳng ái ngại tốn kém đã triệu tập mọi người trong họ từ ở các tỉnh xa về, để phát gia phả cho họ hàng.

Nhiều dòng họ còn lập ra những hội tương tế. Ngoài số tiền nguyệt liễm, còn thu một khoản tiền nhỏ, gọi là tiền trợ tang. Số tiền này sẽ được dùng để giúp đỡ cấp thời, mỗi khi có một hội viên mệnh một. Những dòng họ lớn, như dòng họ Nguyễn phước lại còn có bản Tin Tức để phổ biến trong dòng họ.

Nói đến gia tộc, chúng ta cũng không nên quên cách đặt tên của ít nhiều dòng họ, để cứ thấy chữ đệm là biết được tôn ti.

Điển hình nhất là họ Nguyễn Phước, năm Quí Tị 1823, tức là năm thứ 4 triều Vua Minh Mạng, vua định phép đặt tên cho tất cả Hoàng gia, tên chia làm thành 11 bài thơ. Đế hệ thì chọn vào Kim sách, 10 hệ khác thì chạm vào Ngân sách.

Bài thơ về chính thống đế hệ như sau:

Miên [18] Hường Ưng Bửu Vĩnh,

Bảo Quý Định Long Trường.

Hiền Năng Kham Kể Thuật,

Thế Thoại Quốc Gia Xương.

Như vậy thấy Tùng Thiện Vương chẳng hạn với tên là Mân (Miên) Thẩm, ta sẽ biết ngài là con của vua Minh Mạng, và cụ Ưng Hoát chẳng hạn sẽ là hàng chú Bửu Lộc, hàng ông Vĩnh Cẩn, hàng cụ Bảo Long, v.v...

Cụ Dương Khuê vì có đuợc Tùng Thiện Vương mời ngồi dạy học tại nhà cũng đã bắt chước thế thứ nhà Nguyễn mà làm một bài thơ để đặt cho dòng họ mình như sau:

Tự Thiệu Hồng Nghiệp,

Vi Bang Gia Ky (Cơ),

Thế Tế Kỳ Mỹ,

Phúc Khánh Dụ Chi.

Và dĩ nhiên là con cháu cụ sẽ có những tên Dương tự, Dương thiệu, Dương hồng, Dương nghiệp, v.v...

Ngày nay ở miền nam Việt Nam đang có phong trào làm gia phả. Nhiểu dòng họ đã in những quyển gia phả rất lớn để phát cho các gia đình trong chi tộc.

Tuy nhiên ở Việt Nam, công việc làm gia phả cũng khó, vì ít nhà có thói quen làm gia phả. Hơn nữa, vì tình hình chiến tranh, vì nạn tản cư, vì nạn hồ sơ lý lịch thất lạc, nên mỗi khi muốn truy tầm về gia phả thiệt là khó.

Ở Châu Âu trái lại, muốn lập gia phả, họ có thể lập dễ dàng, vì xứ đạo nào cũng có sổ rửa tội, sổ hôn phối, làng mạc quận huyện nào cũng có sổ bộ hộ tịch. Lại nữa các phó bản về hộ tịch trong một tỉnh đều được tập trung về thị xã, nên muốn tìm về tên tuổi, nghề nghiệp tổ tiên không có gì là khó.

Cuối cùng tưởng cũng nên cân nhắc lại một vấn đề lịch sử trong đó việc thờ cúng tổ tiên đã đóng vai chủ yếu. Đó là sự cãi vã nhau giữa các giáo sĩ Tây phương khi sang giảng đạo ở Trung Hoa về vấn đề thờ cúng tổ tiên. Các linh mục dòng tên thì cho rằng thờ cúng tổ tiên không gây trở ngại gì cho việc rao giảng phúc âm, và cứ nên để người tôn giáo tân tòng được tiếp tục thờ cúng tổ tiên như cũ. Các linh mục các dòng khác như Thừa sai, Đa minh, Biển đức, v.v... thì cho rằng phải cấm hẳn việc thờ cúng tổ tiên. Giáo hội La Mã cũng nhập cuộc. Ngày 19-03-1715, Giáo hoàng Clément XI ra sắc chỉ Ex Illa Die cấm người tôn giáo không được tôn kính tổ tiên theo lối Á đông. Tất cả những sự chia rẽ ấy đã dần dần đưa đến sự thất bại trong công cuộc truyền giáo ở Trung Hoa.

 

Nhưng dần dà, giáo hội La Mã nhận thấy mình đã có quyết định sai lầm nên đã tìm cách sửa sai. Vì thế sau 200 năm cấm đoán, Thánh bộ truyền giáo dưới triều đại Pie XII với sắc lệnh ngày 08-12-1939 đã cho phép giáo dân tỏ lòng tôn kính tổ tiên đã quá vãng như cúi đầu đi trước di ảnh, trước bài vị. Tuy có sắc lệnh ấy, nhưng ở Việt Nam có một thời đã không chịu phổ biến và thi hành, mãi sau này, khoảng năm 1960 mới cho áp dụng. Có lẽ là vì làn sóng canh tân của công đồng Vatican II đã bắt đầu dâng lên mạnh.

Gần đây, trong ít nhiều nhà Công giáo đã thấy có di ảnh cha mẹ quá vãng, phía trước có đặt hương hoa. Đó là điều mà trước kia không thể nào có.

Hơn thế nữa, ngày 29-11-1970, ngày khai mạc đài phát thanh Veritas, giáo hoàng Paul VI có gửi một sứ điệp cho các dân tộc Á Châu. Trong một đoạn sứ điệp ấy, Ngài đặc biệt ca ngợi lòng hiếu thảo gắn bó với gia đình, và sự thờ kính tổ tiên của người Á Đông. Nguyên văn như sau:

«Quả thực, thưa anh em, khi nhìn lại quá khứ của các dân tộc Á Châu, chúng tôi đã phải xúc động trước tinh thần biết trọng những giá trị tâm linh. Tinh thần ấy đã nổi bật trong tư tưởng các nhà hiền triết và trong đời sống của quần chúng Á Châu. Óc kỷ luật của các nhà tu hành, lòng đạo hạnh thâm sâu của dân chúng, lòng hiếu thảo gắn bó với gia đình, và thờ kính tổ tiên của anh em, tất cả những đức tính đó là những dấu chứng tỏ anh em không ngừng tìm đấng Chí tôn và khao khát siêu nhiên. Giá trị của những đặc điểm ấykhông chỉ liên quan đến đời sống tinh thần anh em mà thôi. Nhìn chung, những đặc điểm ấy chẳng những không làm cản trở cho bước tiến kỹ thuật, kinh tế, xã hội như anh em khao khát một cách chính đáng, mà lại còn là nền tảng cho một cái gì vô giá khiến sự tiến bộ có thể thực hiện một cách trọn vẹn mà không phải hy sinh những giá trị thâm sâu và quý hóa nhất. Chính những giá trị này đã làm cho con người, một thực thể tràn ngập luồng khí tinh thần, vừa là hay có thể là chủ của vũ trụ, các năng lực trong vũ trụ mà còn là chủ của chính mình. Khoa học và kỹ thuật đều làm chứng cho cuộc chinh phục của trí óc con người trong lĩnh vực vật chất. [...] Dầu vậy, với nhãn giới tinh thần anh em thừa hưởng được của truyền thống, tinh thần thượng luật, lòng đạo và sự bảo toàn đời sống gia đình của anh em, chắc chắn anh em có đủ sức [...] đi tới chỗ giúp nền văn minh Tây phương vượt được những nguy hiểm, trong đó nền văn minh này đang bị chính sự tiến bộ của mình nhốt chặt lại.» (Xem Sacerdos, Linh mục nguyệt san, số 109-110, tháng 1-2-1971, tr.50-57)

Giáo Hoàng Paul VI thực đã tỏ ra rất sáng suốt khi đề cao nền minh tinh thần của Á Đông, tình nghĩa gia đình bền chặt của người Á đông, lòng hiếu thảo và lòng kính nhớ tổ tiên của người Á đông. Và có lẽ ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đã yêu cầu Á châu với tất cả những truyền thống tâm linh tốt đẹp nên giúp cho Âu châu thoát được hiểm nguy băng đọa hiện thời.

 

III. TỔNG LUẬN

Bàn về gia đình gia tộc mà không đề cao được tinh thần tương thân tương trợ giữa các thành viên của dòng họ, mà không đề cao được vấn đề danh dự gia đình, mà không khuyến khích được mọi người theo gương tổ tiên để, nói rộng ra, thì an dân định quốc, phú quốc cường dân; nói hẹp lại, thì ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người thì cũng là uổng công vô ích. Cho nên khi đưa ra chủ đề tương quan gia đình gia tộc, chính là muốn chấn hưng tại tinh thần gia đình, gia tộc ngày nay đang độ suy vi, và củng cố lại mối dây liên lạc thân ái, tương phù tương trợ giữa họ hàng, mối dây mà ngày nay đà văn minh vật chất làm cho trở nên lỏng lẻo.

Và để kết thúc bài này tôi muốn nhắc lại hai gương xưa tích cũ. Đó là hai câu truyện «Thiên hạ đệ nhất gia» đã ghi trong truyện Tàu.

Nếu quý vị đã đọc Càn Long hạ Giang Nam, ắt còn nhớ chuyện Cao Thiên Tứ (tức Càn Long vi hành) khi đến Cô Tô (Tô Châu). Nơi đây vua thấy ngoài cổng nhà quan Thừa Tướng đương triều là Lưu Dung có treo một tấm biển đề: «Thiên hạ đệ nhất gia», Vua lấy làm phật ý, quyết vào hỏi cho ra lẽ.

Vua vào lớp dinh cơ thứ nhất, thì được các cháu trai của Lưu Dung khoảng 20 tuổi ra tiếp. Vua hỏi đến 5 chữ «Thiên hạ đệ nhất gia», các thanh niên này không biết đàng trả lời nên mời vua vào lớp dinh cơ thứ hai. Ở đây có anh Lưu Dung khoảng chừng hơn 40 ra tiếp. Vua lại hỏi như trên, anh Lưu Dung cũng không biết trả lời, lại mời vua vào dinh cơ thứ ba. Nơi đây thân phụ Lưu Dung khoảng 60 tuổi ra tiếp, nhưng vẫn không chịu trả lời câu hỏi của nhà vua, mà lại mời vua vào dinh cơ thứ 4. Nơi đây ông của Lưu Dung khoảng chừng hơn 80 ra tiếp. Vua lại đặt câu hỏi, ông cụ này cũng không chịu trả lời, lại mời vua vào lớp dinh cơ thứ năm ở bên trong.

Càng vào sâu thêm vua càng thấy dinh cơ một ngày một thêm lộng lẫy, cảnh trí thêm tân kỳ, đồ đạc bày biện càng ngày càng thêm sang trọng.

Vào tới dinh cơ thứ 5 vua được một ông cụ già hơn 100 tuổi ra đón tiếp. Vua lại hỏi ý nghĩa 5 chữ «Thiên hạ đệ nhất gia». Cụ già bèn trả lời: Khi già được 100 tuổi, thân bằng cố hữu chúc mừng cho già ba tấm khuôn biển. Tấm thứ nhất đề là «Thiên hạ đệ nhất gia», tấm thứ hai đề là «Bách tuế đường». Còn tấm thứ ba, Cao tiên sinh coi thì sẽ rõ biết công cuộc nhà Lưu gia này. Vua ngước mắt xem thấy tấm biển thứ ba tỏ ý khen ngợi nhà Lưu gia như vầy:

«Trời cũng không qua, đất cũng không hơn, vua cũng khó tày, nhân gian đâu lấn được. Như thể: Cha vi tể tướng, con vi tể tướng, cháu vi tể tướng. Dẫu ai giầu đâu qua đây quý, dẫu ai quý sao bằng cha con, con cháu nhà ta liên đỗ khoa trường. Dẫu dòng ai liên đỗ khoa trường cũng chẳng bằng kiến họ Lưu liên kết năm đời hiện tại sống được một trăm năm.»

Vua xem rồi thì khen rằng: «Thiệt là nhà Lưu gia đệ nhất trong đời.» (Xem Càn Long hạ Giang Nam, dịch giả Thanh Phong, tr. 215-220).

Tích thứ 2, ta đọc thấy trong quyển Đại Minh Hồng Võ.

Vua Đại Minh Hồng Võ (Minh Thái tổ) nghe thấy ở Kim Huê có nhà họ Trịnh đề tấm biển rằng: Thiên hạ đệ nhất gia, bèn giáng chiếu đòi vào chầu. Hồng Võ phán hỏi: «Người là gì mà gọi là nhà ngươi thứ nhất?» Họ Trịnh tâu rằng: «Bởi anh em bà con chúng tôi ở chung tám đời, hòa thuận không tiếng chi hết, nên quan Thái thú tặng tấm biển ấy mà làm gương cho bá tánh, chớ không phải của tôi làm.» Hồng Võ hỏi: «Bà con bao nhiêu mà ở chung lâu vậy?» Họ Trịnh tâu rằng: «Nội nhà tôi hơn một ngàn miệng ăn.» Xảy ra nghe Hoàng hậu ở sau bình bình phong tâu rằng: «Bệ hạ có một mình còn thâu đặng thiên hạ thay, nếu ngàn người đồng một lòng thì làm chi lại không nổi!» Họ Trịnh tâu rằng: «Không có phép chi lạ, phàm việc nào lớn nhỏ, cũng không nghe lời đàn bà.» Minh Hồng Võ cười ngất, xảy có sứ Hà Nam dâng lê thơm. Hồng Võ ban cho họ Trịnh hai trái mà tha về. Họ Trịnh tạ ơn, rồi để hai trái lê trên đầu mà đi ra. Vua sai quan Hiệu úy nom theo coi thử, thấy họ Trịnh đem hai trái lê về đâm nát, hòa với hai chậu nước để trên bàn giữa nhà, mỗi người uống một chén nước rồi trở mặt về Bắc mà lạy tạ ơn. Hiệu úy về tâu lại. Vua thấy vậy tặng thêm một tấm biển ngoài cửa ngõ, đề rằng: «Trịnh nghĩa môn.» (Xem Đại Minh Hồng Võ, Thanh Phong dịch, trang 380.)

Ở Việt Nam chúng ta bao giờ mới có được một nhà như Lưu gia và Trịnh gia?

Đã in trong Tạp chí Phương Đông, số 40, tháng 10-1974.

 

SÁCH THAM KHẢO

1. Coupé, André, Doctrines et cérémonies religieuses du pays d’Annam (in Bulletin de la Société des E.I, Nouvelle Série, Tome VIII, No 3, Juillet Septembre, 1933)

2. Cấn, Tôn Thất, Constitution de la Famille Impériale d’Annam (Imp. AJS, 1942)

3. Cửu Long Giang, Toan Ánh, Người Việt đất Việt, Nam Chi tùng thư, SaiGon, 1967.

4. Granet, Marcel, La Polygynie sororale et le Sororat dans la Chine Féodale, Angers, Imprimerie F.Gaultier et A.Thebert, 4 Rue Garnier.

5. Mẫu , Vũ văn, Cổ luật Việt Nam lược khảo, q. II, Saigon 1970.

6. Ross, Nancy Wilson, Three Ways of Asian Winsdom, A Clarion Book Published by Simon and Schuster, N.Y. 1969.

7. Schreiner, Alfred, Les Institutions Annamites en Basse - Cochinchine, Saigon Claude et Cie Imprimeurs, éditeurs, 1901.

8. Sển, Vương Hồng, Saigon năm xưa, nhà sách Khai Trí, Saigon 1969.

9. Tabuteau, Jacques, Connaissez-vous votre famille, c/o l’auteur, 29 de Beauvais à Clermont (Oise) et en dépôt aux éditions sociales françaises, 7 Rue Jadin Paris, XVII 1947.

10. Tavernier, M.Emile, Le Culte des ancêtres, (in Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle Série, Tome 1, No 2, Juillet Décembre, 1926.

11. Toàn, Nguyễn văn (Túy Lang), Thọ Mai gia lễ, nhà sách Khai Trí, Saigon, 1969.

12. Tụy, Nguyễn Bạt, Tên người Việt Nam, Saigon, 1954

13. Thanh Phong, dịch giả, Càn Long hạ Giang Nam, Tín Đức thư xã.

14. Thanh Phong, dịch giả, Đại Minh Hồng Võ, Tín Đức thư xã.

15. Thuyết, Dĩ Thủy, Phạm Văn, Đông Ngạc tập biên, Saigon 1963.

16. Ung Trình, Nguyễn Phúc - Bửu Dưỡng, Nguyễn Phúc, Tùng Thiện Vương, nhà in Sao Mai, Châu Bình, Thủ Đức, 1970.

17. Winchester A.M., Genetic (2d Edition), Houghton Mifflin Co Boston, The Riverside Press Cambrigde, 1968.

 

CHÚ THÍCH

[1] Cụ Nguyễn Khánh Trường đỗ cử nhân Hán học, làm đến tuần phủ.

[2] Xem Jacques Tabuteau, Connaissez vous votre famille?, Edition Sociale Française, 7 Rue Jadin Paris XVII, p. 42.

[3] Xem sách đã trích dẫn, tr.35, 34 và 31.

[4] Xem Dĩ Thủy Phạm Gia Thuyết, Đông Ngạc Tập biên, Saigon, 1963.

[5] Mỗ là Đại Mỗ và Tây Mỗ. La là La Khê, La Nội. Canh là Hương Canh, Vân Canh. Cót là Thượng Yên Quyết, Hạ Yên Quyết. (Phỏng theo Từ Liêm huyện đăng khoa chí, tài liệu viết tay bằng chữ Hán đời vua Tự Đức). Cụ Đông Quân Hưng, Phạm Gia Thuyết hiện có tài liệu này.

[6] Đôi câu đối này cụ Cửu Chung cho tôi. Cụ Đông Quân Hưng, Phạm Gia Thuyết nhớ là cửu khôi nguyên, cụ Cửu Chung nhớ là tứ đình nguyên.

[7] Đất mộ phần dòng họ Trương Minh tại Gò Vấp, đến đấy hỏi thăm nhiều người biết, Phủ thờ cũ kỹ, kèo trích mối leo cả dây. Đặc biệt nơi đây còn giữ được trên trăm bài vị tiền nhân dòng họ. (xem Vương Hồng Sển, Sài Gon năm xưa, tr. 181)

[8] Dòng họ Nguyễn phát tích từ làng Gia Miêu Ngoại Trang, tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

[9] Xem Genetic (2nd edition) A.M. Winchester Colorado State-Houghton Mufflin Co Boston, The Riverside Press, Cambridge, 1958 p.p. 121 et ss.

[10] «Every experience familiarizes us with the facts which are grouped under the name of heredity. Every one of us bears upon him obvious marks of his parentage, perhaps of remoter relationships. More particularly, the sum of tendencies to act in a certain way, which we call «character» is often to be traced through a long series of progenitors and collaterals. So we may justly say that this «charater» this moral and intellectual essence of man-does veritably pass over from one fleshly tabernacle to another, and does really transmigrate from generation to generation…»

«The Indian Philosopher called charater as thus defined, «karma»… In the theory of evolution, the tendency of a germ to develop according to a certain specific type, e.g. of the kidney bean seed to grow into a plant having all the charaters of the phaseolus vulgris is it s «karma». It is the last inheritor and the last result of all the conditions that have affected a line of ancestry which goes back for many millions of years, to the time when life fisrt appeared on the earth. Then quoting professor T.W.Rhys. Davids, Huxley ends: … The snowdrop and not an oak and just that kind of snowdrop, because it is the outcome of the karma of an endless series of past experiences.» (Nancy Wilson Ross, Three ways of Asian wisdsom, A Clarion Book published by Simon and Schuster, Rockfeller Center, 630 Fifth Avenue, N.Y., 1969, p.118)

[11] Xem Marcel Granet, La Polygynie sororale et le sororat dans la Chine féodale, Angers, Imprimerie F. Gaultier et A. Thébert, 4 rue Garnier.

[12] Xem Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam lược khảo, quyển thứ 2, Sài Gon 1970, tr.428.

[13] Ibid. tr. 429.

[14] Lễ Ký, mục III Vương chế, chương III, thiên tử thất miếu: tam chiêu, tam mục, dữ Thái tổ chi miếu nhi thất. Chư hầu ngũ miếu, nhị chiêu nhị mục, dữ Thái tổ chi miếu nhi ngũ. Đại phu tam miếu, nhất chiêu nhất mục, dữ Thái tổ chi miếu nhi tam. Sĩ nhất miếu, thứ nhân tế ư tẩm.

[15] Xem Vũ Văn Mẫu, Cổ Luật Việt Nam lược khảo, quyển 2, tr. 275-276.

[16] Nơi đây, tôi chỉ nói đại cương, còn quý vị nào muốn đi vào chi tiết, xin đọc Vũ Văn Mẫu, Cổ Luật Việt Nam lược khảo, q.2, từ tr.264 đến 283.

[17] Xem sách đã dẫn, tr.285.

[18] hay Mân.